Hiệp hành sống đức ái nhân: Lý thuyết và thực hành theo Tôn giáo Baha’i

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 825 | Cật nhập lần cuối: 11/2/2022 1:18:05 PM | RSS

Kính thưa Quý vị,

Hiệp hành sống đức ái nhân: Lý thuyết và thực hành theo Tôn giáo Baha’iThay mặt cho Cộng đồng Tôn giáo Baha‟i Việt Nam, trước hết tôi bày lòng ngưỡng mộ đối với Gáo xứ Đức Mẹ Hằng Cúu giúp trong sáng kiến tổ chức hội thảo trong tinh thần Đối thoại Liên tôn hôm nay. Chúng tôi cũng hoan nghênh cơ hội phát biểu chủ đề này qua giáo lý và thực hành của Baha‟i.

Trong Kinh Cựu ước, Thượng Đế phán: "Ta đã tạo ra loài người giống hình ảnh Ta". Trong Kinh Thánh, Chúa Jesus giảng: "Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta" (Giăng 14, 11). Trong Kinh Qur'an, Thượng Đế dạy: "Con người là sự nhiệm mầu của Ta và Ta là sự mầu nhiệm của con người". Đức Baha'u'llah dạy: "Tâm hồn ngươi là cung điện của Ta; hãy làm cho nó thanh khiết để Ta ngự về. Tinh thần ngươi là nơi Ta khải hiện; hãy tẩy sạch nó cho Ta xuất hiện".

Tất cả những Lời Thánh ấy đã chứng minh rằng con người được tạo nên theo hình ảnh của Thượng Đế – nghĩa là những sự hoàn hảo của Thượng Đế, những thánh đức cuả Ngài, tình yêu vô biên của Ngài, được phản chiếu hoặc khải hiện trong thực thể con người.

Trong tất cả các tạo vật của Thượng Đế thì con người là tạo vật cao quý nhất. Con người thuộc vương quốc cao nhất, là chúa tể của van vật vì con người sở hữu tất cả các danh và các thuộc tính mà Thượng Đế ban cho các thế giới thấp hơn như khoáng vật, thực vật và động vật. Thế nên “Đức Ái nhân” – Tình yêu trong thế giới loài người, cũng được biểu hiện tròn đầy và rực rỡ hơn các thế giới khác.

Đức Abdul-Baha dạy: “Chúng ta tuyên bố rằng tình yêu là nguyên do tồn tại của tất cả các hiện tượng và sự thiếu vắng tình yêu là nguyên do tan rã hay không tồn tại. Tình yêu là sự ban cho về ý thức từ Thượng Đế, là mối liên kết chặt chẽ trong tất cả các hiện tượng.”

Ngài giải thích: “Khi nhìn vào vũ trụ chúng ta thấy rằng tất cả những vật tổng hợp hoặc hiện tượng tồn tại đều chủ yếu được tạo thành do các nguyên tố đơn lẻ kết hợp với nhau bởi lực hấp dẫn. Qua lực hấp dẫn này, sự gắn kết trở thành biểu hiện giữa các nguyên tử của các yếu tố cấu thành. Vật tạo thành là một hiện tượng của các vật tạm bợ loại thấp. Lực gắn kết thể hiện trong giới khoáng vật thực tế là tình yêu hay mối quan hệ thể hiện ở một mức độ thấp theo nhu cầu của giới khoáng vật. Tiến một bước cao hơn vào giới thực vật, nơi chúng ta thấy một lực hấp dẫn mạnh hơn trở thành biểu hiện trong số các yếu tố tạo thành hiện tượng. Ở mức độ hấp dẫn này một sự kết hợp tế bào được sản sinh trong những yếu tố này tạo thành thân hình của một cây xanh. Vì vậy trong cấp độ của giới thực vật có tình yêu. Bước vào vương quốc động vật chúng ta thấy lực hấp dẫn gắn kết với nhau những yếu tố đơn lẻ như trong khoáng vật, cộng với sự gắn kết tế bào như trong thực vật, cộng với hiện tượng cảm xúc hoặc thụ nhận. Chúng ta thấy rằng động vật nhạy cảm với một số liên kết về thiện cảm hoặc tình bạn, và nó vận động theo sự chọn lọc tự nhiên. Sự hấp dẫn nguyên tố này, sự kết hợp và ái lực chọn lọc là tình yêu thể hiện ở cấp độ thuộc giới động vật. Cuối cùng chúng ta đến với thế giới loài người. Vì đây là vương quốc cấp cao, nên ánh sáng tình yêu rực rỡ hơn. Trong con người chúng ta thấy lực hấp dẫn giữa các nguyên tố tạo nên cơ thể, cộng với sự hấp dẫn tạo nên tế bào hoặc lực tăng trưởng, còn có sự hấp dẫn đặc trưng tính thụ cảm trong giới động vật, nhưng cao xa hơn nữa trên tất cả các sức mạnh cấp thấp, chúng ta phát hiện nơi con người sự hấp dẫn của trái tim, sự nhạy cảm và ái lực gắn kết người với người, cho phép họ sống và liên kết trong tình hữu nghị và đoàn kết. Do đó, ta thấy hiển nhiên là trong thế giới nhân loại, vị vua và bậc quân vương vĩ đại nhất là tình yêu. Nếu tình yêu bị dập tắt, lực hấp dẫn bị xua tan, mối ái cảm của trái tim con người bị phá hủy, thì hiện tượng về đời sống con người cũng biến mất.”

“Nhưng đây chỉ là những mức độ thấp của tình yêu tồn tại trong thế giới vật chất hoặc tự nhiên. Sự biểu hiện của nó luôn thuận theo yêu cầu của điều kiện và tiêu chuẩn tự nhiên.

Tình yêu thực sự là tình yêu tồn tại giữa Thượng Đế và các tôi con của Ngài, tình yêu gắn kết những linh hồn thánh thiện với nhau. Đây là tình yêu của thế giới tâm linh, không phải là tình yêu của thân thể và sinh vật. Ví dụ, hãy xem và nhận xét các thiên ân của Thượng Đế liên tục được ban xuống cho nhân loại như thế nào; những hào quang thiên thượng luôn tỏa sáng trên thế giới loài người ra sao. Hẳn nhiên những thiên ân, thiên phúc, những hào quang thiên thượng này tỏa chiếu từ tình yêu. Nếu tình yêu không trở thành động cơ thiêng liêng, thì tâm hồn con người không thể đạt tới hoặc tiếp nhận những điều ấy. Nếu tình yêu không tồn tại thì ơn phước thiên thượng không thể đến với bất cứ sự vật nào. Nếu không có tình yêu thì người nhận hào quang thiên thượng không thể tỏa sáng và phản chiếu hào quang ấy lên những đối tượng khác. Nếu là người biết nhận thức, chúng ta thấy rằng những hồng phúc của Thượng Đế tự biểu hiện liên tục, như thể những tia sáng mặt trời không ngừng phát ra từ trung tâm thái dương. Nhờ hào quang huy hoàng của mặt trời, thế giới hiện tượng trở nên rực rỡ, tươi sáng. Cũng theo cách ấy, thế giới tâm hồn và tinh thần được soi sáng và hồi sinh nhờ các tia sáng của Mặt trời Thực tại và những hồng phúc từ tình yêu của Thượng Đế. Vì vậy, thế giới sinh tồn, vương quốc của tâm hồn và tinh thần luôn sống động. Nếu không nhờ tình yêu của Thượng Đế, tâm hồn sẽ thành vô tri, tinh thần sẽ tàn lụi và thực thể con người sẽ đánh mất những thiên ân đời đời.

Hãy xem tình yêu của Thượng Đế tự biểu hiện đến mức nào. Trong những dấu hiệu tình yêu của Thượng Đế xuất hiện trên thế giới là điểm rạng đông các Đấng Biểu hiện của Ngài. Quả là một mức độ tình yêu vô hạn phản chiếu bởi các Đấng Biểu hiện thiên thượng trên nhân lọai! Vì mục đích hướng dẫn dân chúng, các Ngài đã tự nguyện từ bỏ mạng sống của mình để làm hồi sinh đức tính ái nhân. Nếu Đức Chúa Jesus Christ không có tình yêu đối với thế giới loài người, chắc chắn Ngài đã không nhận lấy thập tự giá. Ngài bị đóng đinh trên thánh giá vì yêu thương nhân lọai. Hãy ngẫm ngợi về mức độ vô biên của tình yêu ấy. Nếu không có tình yêu đối với loài người, thánh John Baptist hẳn không hiến dâng mạng sống của mình. Điều giống như thế cũng xảy ra với tất cả các Đấng Tiên tri và những linh hồn thánh thiện. Nếu Đức Bab không có tình yêu hiển nhiên đối với loài người, chắc chắn Ngài đã không chìa ngực mình ra để nhận cả ngàn viên đạn. Nếu Đức Baha‟u‟llah không có tình yêu rực cháy đối với nhân lọai thì Ngài cũng không tự nguyện nhận lãnh bốn mươi năm ngục tù.”

“Các Đấng Biểu hiện thiên thượng của Thượng Đế đã hiến mạng sống các Ngài cho chúng ta qua tình yêu. Hãy nghiệm xem tình yêu của Thượng Đế là gì. Nếu không vì tình yêu của Thượng Đế, mọi tinh thần sẽ thành bất động. Ý nghĩa của điều này không phải là cái chết thân xác; nhưng hơn thế nữa, đây là tình trạng mà Đấng Christ đã công bố: “Hãy để kẻ chết chôn người chết của họ, vì cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và cái gì sinh bởi tinh thần là tinh thần.” Nếu không vì tình yêu của Thượng Đế thì các linh hồn không thể giác ngộ. Nếu không vì tình yêu của Thượng Đế thì con đường đến nước Trời sẽ không được mở ra. Nếu không có tình yêu của Thượng Đế thì các Thánh Kinh đã không được mặc khải. Nếu không vì tình yêu của Thượng Đế thì các Đấng Tiên tri thiêng liêng đã không được phái xuống thế gian. Nền tảng của tất cả những thiên ân này là tình yêu của Thượng Đế. Như vậy trong thế giới loài người không có sức mạnh nào vĩ đại hơn tình yêu của Thượng Đế. Chính tình yêu của Thượng Đế đã kết duyên Đông phương với Tây phương. Chính tình yêu của Thượng Đế đã làm hồi sinh thế giới.” (1)

Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng “Trong con người có hai bản chất: tâm linh là bản chất cao và vật chất là bản chất thấp. Bản chất tâm linh giúp con người tiến đến gần Thượng Đế, bản chất kia làm con người chỉ sống theo đời. Dấu hiệu của cả hai bản chất này đều biểu lộ nơi con người. Về phương diện vật chất con người cho thấy sự giả dối, hung dữ và bất công; tất cả những thái độ ấy là từ bản chất thấp. Những đặc tính của phẩm chất thiên thượng được bộc lộ qua tình yêu, lòng từ bi, lòng tử tế, sự thật thà và công bằng, mỗi một và tất cả những đức hạnh ấy là biểu hiện của bản chất tâm linh nơi con người. Con người có khả năng làm cả việc tốt và việc xấu; nếu khả năng thiện chiếm ưu thế và chinh phục được khuynh hướng xấu, thì người ấy thật sự đáng gọi là vị Thánh. Nếu, trái lại người ấy gạt bỏ những điều thuộc về Thượng Đế, lại để dục vọng xấu xa chế ngự mình, thì người ấy sẽ chẳng hơn gì con vật”. (2)

“Khi con người xứng đáng là người nó sẽ mang hình ảnh giống như Thượng Đế, vì hình ảnh của Đấng Từ bi bao gồm những đặc tính của Thế giới thiên thượng. Nếu phẩm hạnh của họ mang tính tâm linh, các ước vọng của họ có tính thiêng liêng và hành động của họ phù hợp với ý chí của Thượng Đế, thì con người đã đạt tới hình ảnh của Đấng Sáng tạo và giống với Ngài” (3)

“Hiệp hành sống Đức Ái nhân” chính là nỗ lực của tất cả chúng ta trong tinh thần liên tôn để cùng lan tỏa những đức hạnh cao thượng thuộc bản chất tâm linh để biến trần gian thành thiên đàng tại thế.

Trong thời đại nhân loại trưởng thành ngày nay, ThượngĐế đã ban cho nhân loại qua Đức Baha'u'llah, Đấng Giáo Tổ của Tôn giáo Baha'i mười lăm tin mừng. Một trong các tin mừng đó là Tin mừng thứ hai: “Cho phép các dân tộc và các giống nòi trên thế giới giao hòa với nhau trong niềm vui và sự trong sáng. Hỡi dân chúng! Hãy giao tiếp với tín đồ của tất cả các tôn giáo trong tinh thần thân ái và bằng hữu. Thế là vầng thái dương phán lệnh và thẩm quyền của Ngài đã chiếu rọi trên chân trời chiếu mệnh của Thượng Đế, Đấng Chúa của các thế giới.” (4)

Tại một Kinh bản khác Ngài nói thêm: “Chúng Ta đã phán: “Hãy giao tiếp với tín đồ mọi tôn giáo trong tinh thần thân ái và bằng hữu.” Theo những lời dạy này, bất cứ điều gì khiến con cái loài người xa lánh nhau, tạo nên sự xung đột chia rẽ họ, đều đã được hủy bỏ và xoá sạch. Từ thiên đàng Ý chí của Thượng Đế, và vì mục đích cao thượng hoá thế giới sinh tồn, nâng cao tâm trí và linh hồn loài người, công cụ hiệu nghiệm nhất để giáo dục toàn thể nhân loại đã được ban xuống.” (5)

Do vậy, việc giao tiếp với tín đồ các tôn giáo trong tinh thần thân ái và bằng hữu là nhu cầu thiết yếu để tạo sự cảm thông giữa tín đồ của các tôn giáo, là phương thuốc hiệu nghiệm nhất cho việc thống nhất và hòa hợp giữa con cái của gia đình nhân loại.

Trên tinh thần đó, Cộng đồng Baha‟i trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, hằng năm đã tổ chức “Ngày Tôn giáo Hoàn cầu” (World Religion Day), một sáng kiến của Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha‟i Hoa Kỳ từ năm 1950 liên tục đến nay đã tạo được sự hòa hợp và cảm thông giữa các tôn giáo đã được các cộng đồng tôn giáo và báo chí ca ngợi.

Đây cũng chính là tinh thần Assisi mà Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII đã biểu lộ qua Thông điệp Hòa bình Thế giới. Nhờ tinh thần này mà văn hóa gặp gỡ giữa các tôn giáo trên thế giới đã nảy nở qua các phong trào liên tôn quốc tế, đã đóng góp rất lớn cho sự yêu thương hòa hợp giữa các con cái loài người, mang lại sự cảm thông và hòa hợp giữa tín đồ các tôn giáo ngày một bền vững.

“Đức Ái nhân”, “Tình Nhân ái”- Tình yêu loài người - một đề tài không những đã trở thành nét chính yếu cho mọi hoạt động Baha‟i mà còn là chủ đề trung tâm của một mục tiêu tối cao là “Thống nhất Nhân loại” mà Đức Baha‟u‟llah, mang đến cho nhân loại trong thời đại trưởng thành này, để loài người có thể nhìn nhận ra là con của một Đấng Cha chung, là anh em trong một Đại gia đình – Gia đình Nhân loại.

Cầu cho Thượng Đế tuôn đổ ơn phước thiêng liêng dồi dào cho chúng ta – những người đi trên con đường phụng sự Ngài, có quyết tâm tạo ra những cuộc gặp gỡ giữa tín đồ các tôn giáo đến mức trở thành nét văn hóa trong đời sống của các cộng đồng để Nước Trời sớm hiển hiện giữa loài người.

Chân thành cám ơn sự lắng nghe.

Nguyễn Văn Trường
Cộng đồng Tôn giáo Baha'i VN

________________________

Chú thích:

(1) Đức Abdul-Baha, Nền tảng của sự Thống nhất Thế giới, trang 91

(2) Những Bài giảng của Đức Abdul-Baha tại Paris, tr. 60-

(3) Đức Abdul-Baha, Quảng bá Nền Hoà bình Thế giới, tr. 336

(4) Thánh kinh của Đức Baha'u'llah mặc khải sau Kitab-i-Aqdas, tr.22

(5) Trích Thánh thư Đức Baha'u'llah, Đoạn XLIII, tr.95